<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Vu Lan 2564-2020 Nhớ Ơn Nhị Vị Hòa Thượng “Đức Niệm và Mãn Giác”
Tác giả: Điều ngự tử Tín Nghĩa

 

Vu Lan 2564-2020 Nhớ Ơn Nhị Vị Hòa Thượng “Đức Niệm và Mãn Giác”

Điều ngự tử Tín Nghĩa

          Tôi đến định cư tại Hoa Kỳ, thành phố Los Angeles vào ngày 19-09-1979. Phi cơ 747 của hảng PAN AM đưa tôi từ Hương Cảng (HongKong) đến nhập cảnh tại Honolulu. Suốt 20 tiếng đồng hồ trên máy bay ; đến Los Angeles độ khoảng chừng 16giờ30’ chiều và được Thầy Tánh Thiện ra đón, nhận hành lý xong, về thẳng đến chùa Việt Nam (Tất cả những gì mà thời gian sinh hoạt ở đây, chúng tôi có thuật qua phần “Trên Đất Hoa Kỳ” trong cuốn “Những Bước Cân Đi Qua”, từ trang 137 trở về cuối sách).

          Mặc dầu, bản thân chúng tôi sống ở thành phố Los Angeles  chỉ được 18 ngày, nhưng sinh hoạt của chúng tôi cũng có phần liên quan đến đạo tình chư Tôn đức và bằng hữu khá đặc biệt. Ví dụ như :  Mới nghỉ được một ngày một đêm, thì, Ôn Mãn Giác dẫn đi bộ qua xem một siêu thị gần đó cách chùa Việt Nam 45 phút. Ôn nói :

          - Thầy này dẫn Tín Nghĩa đi tới chỗ ni cho biết cầu thang máy, cầu thang vượt. Ngày thầy nầy ở Sài Gòn vẫn chưa có những thứ như rứa.

          Tôi thưa :

          - Thưa ôn, con ở HongKong, siêu thị và những thứ như thế nầy đều có đủ và cũng có xử dụng qua rồi. Ôn tiếp :

          - Tưởng Tín Nghĩa chưa biết, thầy dẫn đi cho biết.

          - Con cám ơn ôn, . . .

          Được ba ngày thì Hòa thượng Đức Niệm cho đi tham quan phố Tàu bằng xe Bus. Thứ Bảy ngay tuần đó, đạo hữu Hồng Quang cho đi chơi ngắm cảnh ở Disneyland, Chủ nhật gặp, nói chuyện cùng Phật tử và Đồng hương tại chánh điện chùa Việt Nam, Trong buổi gặp gỡ nầy có quý ngài Thiên Ân, Mãn Giác, Đức Niệm, Trí Chơn, Thiện Thanh, thầy Đồng Trung và Giáo sư Trần Quang Thuận ; sau hơn một tiếng rưởi tâm tình với Đại chúng, Hòa thượng Thiên Ân đứng dậy chúc mừng bản thân chúng tôi vài câu và ngài tiếp :

          - Chúng tôi bảo trợ thầy qua đây là để cùng nhau làm Phật sự. Thầy trả ơn hai chúng tôi (Ôn Thiên Ân, Ôn Mãn Giác), bằng cách lên làm Lãnh đạo Tinh thần Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tại Denver, tiểu bang Colorado.

          Chúng tôi thưa :

          - Quý Ôn dạy như thế nào, con thuận hành như thế đó.

          Hòa thượng Trí Chơn nói :

          - Để cho tui đón thầy về thăm chùa Vạn Hạnh, San Diego tuần tới rồi hãy đi Denver.

          Ôn Mãn Giác bảo :

          - Nói thì nói rứa, nhưng để cho thầy khỏe rồi sẽ đi, thầy nầy cũng chưa mua vé, . . .

          Sáng thứ hai kế, chúng tôi được ôn Trí Chơn cho về thăm chùa Vạn Hạnh, nơi ngài đã dày công sáng lập, tạo dựng và nuôi dưỡng rất công phu. Tất cả những sinh hoạt cộng đồng ngoài đời hay trong đạo đều dồn vào ngày cuối tuần, Phật Giáo cũng không ngoại lệ.

          Ngày thứ Năm tuần đó, ôn Trí Chơn mượn xe và nhờ một Phật tứ cho đi tham quan những cảnh trí nhân tạo cùa vùng San Diego, đặc biệt là sở thú, . . .

          Trở lại chùa Việt Nam, và đúng ngày 07 tháng 10 năm 1979, Hòa thượng Mãn Giác hướng dẫn bản thân chúng tôi lên vùng tuyết lạnh Denver, chùa Việt Nam với trách nhiệm mới, bắt đầu cuộc sống mới lạ, . . . . .

          Tiễn chân hai thầy trò chúng tôi ra phi trường Los Angeles gồm : Ôn Thiên Ân, ôn Mãn Giác, ôn Đức Niệm, thầy Trí Đức, thầy Đồng Trung và thầy Tánh Thiện.

          Trước khi lên máy bay, Ôn Thiên Ân nói với chúng tôi rằng :

          - Có lẽ thầy (tức là Tín Nghĩa tôi) cũng thuộc trường hợp đặc biệt, chứ đời tôi ít đưa đón ai lắm. Ngay từ hồi còn ở quê nhà cũng thế.

          Ôn Đức Niệm cười và tiếp :

          - Hòa thượng Thiên Ân nói đúng.

          Rồi hai thầy trò chúng tôi chào quý ngài và vào máy bay đi Denver.

          Bản thân chúng tôi làm việc ở Denver, chùa Việt Nam địa chỉ tạm là 369 S. Pearl Road. Làm việc ở đây gần 13 tháng, sau đó xin từ chức về cùng cọng trú với Hòa thượng Thích Đức Niệm, đương kim Giám đốc và là Khai sáng Phật Học Viện Quốc Tế. Địa chỉ tạm thời mượn một phần của Đại học Đông Phương mà Hòa thượng Thích Thiên Ân, vừa khai sáng kiêm Giám đốc, ở đường New Hampshire. Viện trưởng là Dr. Leo Pruden và Ôn Đức Niệm cũng là đương kim Phó ViệnTrưởng của Đại học nầy.

          Ngày Hòa thượng Thiên Ân còn sinh tiền, Ngài bảo : Hai bên này là của Đại học Đông Phương. Tôi rất vui khi đứng ở đây nhìn về chùa Việt Nam mà tôi cứ liên tưởng như đang là đứng ở Đàn Nam Giao nhìn về Đại nội Huế, . . . Hòa thượng vừa nói vừa cười rất sung sướng và gần như tin tưởng, chúng tôi và Ôn Đức Niệm cười xòa lên.

          Về với Hòa thượng Thích Đức Niệm, hằng ngày học đóng kinh sách do Phật Học Viện xuất bản, Hòa thượng thì cắp tập đi học Anh Văn, mười một giờ về và cùng ăn cơm với nhau. Nghỉ trưa, độ 2giờ30 chiều, thức dậy gói kinh sách gởi đi quý chùa và Phật tử khắp Hoa Kỳ, Canada. Một ngày như mọi ngày.  Phần bản thân chúng tôi sau khi xong việc ở Viện thì chạy bộ qua chùa Việt Nam chơi với quý thầy và thăm hỏi ôn Mãn Giác. Bạn bè giao thiệp về chư tôn đức thì có quý thầy Tịnh Tư, Minh Đạt, Nguyên Đạt, Thiện Thanh và Đồng Trung. Thỉnh thoảng có dạy cho thầy Tánh Thiện những bài tán hương cúng Phật tương đối phổ thông cả hai loại vừa tán xấp, vừa tán rơi, . . . Thầy Tánh Thiện là mẫu người dễ tính, thích học hỏi nhất là phần nghi lễ. Ai nói gì thầy cũng cười. Còn quý đạo hữu thì có Giáo sư Kiêm Đạt, Hồng Quang, Hoàng Phấn, Bùi Ngọc Đường, Lý Khôi Việt, . . .

          Nhờ giao du với anh Hồng Quang, mà anh đã tận tình hướng dẫn và giới thiệu với ông bà Lê Viết Tấn ở Irvine ; từ đó, chúng tôi bắt đầu làm nghề cắt cỏ, vừa có tiền gởi phụ giúp mẹ già và gia đình ở quê nhà, vừa trả tiền hàng tháng cho chiếc xe mới mua (qua Mỹ năm 79, mua xe năm 1980), mặc dầu có ôn Đức Niệm có cho mỗi tháng là 150.00US.

          Nhờ làm nghề cắt cỏ một thời gian mà chúng tôi dồn và trả dứt chiếc xe trong vòng bốn tháng.

          Tôi còn nhớ một lần gia đình Giáo sư Nguyễn Long đang giảng dạy tại học Buckley, ở miền bắc California ghé thăm Phật Học Viện Quốc Tế với chiếc xe củ kỹ, thật tội nghiệp, Gặp chúng tôi, anh Long cười và tâm sự :

          - Con là đệ tử Hòa thượng Thích Thiện Minh, hiện dạy học ở Buckley rất khó khăn, không chu cấp lo liệu cho vợ con được tạm đầy đủ. Tiền nhà đắc đỏ, chưa biết tính sao đây !

          Chúng tôi buộc miệng nói nhanh :

          - Anh bỏ nghề giáo đi, về đây theo Hồng Quang, Hoàng Phấn làm nghề cắt cỏ. Bảo đảm với anh trong vòng gần năm hơn thì anh sẽ có cuộc sống sung túc, nhà cao cửa rộng, miễn anh chịu khó thì đừng lo gì cả về mặt vật chất. Tôi thấy ỡ Mỹ đây ai có sức khỏe, chịu khó thi rất dễ kiếm tiền để tự sống. Chỉ có người hèn chứ không có nghề hèn. Cuộc sống ở đây rất tự do, thoải mái, không ai xoi mói, dòm ngó chi cả, . . . Anh nên mạnh dạng đưa gia đình về dưới này đi.

          Anh nghe chúng tôi nói thế, anh cười :

          - Để con thu xếp.

          Sau đó anh thật sự giả từ Đại học Buckley, đưa vợ con về miền nam Cali để sinh sống và bắt đều làm nghề cắt cỏ từ dạo ấy.

          Quả thật, chưa đầy hai năm anh tậu một sở nhà cửa khang trang giá bạc triệu vào những năm 1983, 1984. Và, Giáo sư Nguyễn Long cung thỉnh Ôn Mãn Giác và Đại chúng chùa Việt Nam trong đó có Ni sư Hạnh Thanh tháp tùng đến tận nhà để làm lễ an vị Phật và cầu an cho gia đình.

          Trong Đại hội của Tổng vụ Cư sĩ được trang trọng tổ chức tại Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại vào các ngày 25, 26 và 27 tháng 04 năm 2003, thì Giáo sư Long là một thành viên và có đóng góp bài tham luận.

          Nhờ giao du với Giáo sư Kiêm Đạt, nên anh cũng hướng dẫn bản thân chúng tôi cách viết văn và tập lần lần đến cách viết lách nhiều hơn. Cũng nhờ anh Kiêm Đạt giới thiệu mà được kết thân với Thi sĩ Du Tử Lê, nhà văn Nhật Tiến, nhà văn Mai Thảo và Triết gia Nguyễn Bích Lan kiêm nhà thơ Nguyên Sa. Sau này Triết gia Phạm Công Thiện về sống với Ôn Mãn Giác thì anh Thiện cũng hay giao du với chúng tôi. Có hai lý do :  một là anh không có xe, hai là anh biết chúng tôi quen thân với nhà xuất bản Đại Nam ở thành phố Glendale. Nhà xuất bản nầy cũng xuất bản tác phẩm của chúng tôi là “Cốt Tủy Nghi lễ Phật Giáo”, ra đời tháng 07 năm 1983 ; cho nên, cứ một hoặc hai tuần lên nhà xuất bản nầy một lần để anh Phạm Công Thiện nhờ in ấn lại những tác phẩm của anh từ xa xưa. Vì cũng là tay trắng nên nhà xuất bản trả giá cũng không mấy ngon lành, nhưng anh đành cam chịu.

          Khi ra về, trên xe anh tâm tình :

          - Thầy Tín Nghĩa biết không ?  Đời người thăng trầm khó biết. Ngày tui còn ở quê nhà khi đang giảng dạy ở Đại học Vạn Hạnh ; tác phẩm nào mới ra lò là đã có vài ba vị xin ấn hành ngay, qua đây thê thảm thật ! Chúng tôi an ủi :

          - Kệ thây đi anh ơi ! Qua đây rồi, ai có chút máu mặt là khác liền. Thôi thì mình sống cho mình. Họ chịu in và anh cũng có chút đỉnh để tiêu xài là quý rồi.

          Riêng anh Trần Kiêm Đạt, thì có phần khắn khít hơn. Cứ mỗi hai tuần chở anh đi Santa Ana để giao bài và thu nhuận bút ;  do đó, anh rất vui vẻ với chúng tôi. Còn thi sĩ Du Tử Lê, khi quen thân rồi, anh nói :

          - Khi nào thầy có tác phẩm thơ thì cho hay để anh giới thiệu đề tựa cho và anh cũng đã viết giới thiệu trong tập thơ “Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập”, đã ra mắt với bàn dân thiên hạ ngày Lập đông Nhâm thìn 2556 – 2012.

          Cứ vài ba đêm, chúng tôi tụ tập tại nhà anh Bùi ngọc Đường để bàn tán chuyện làm báo gồm các anh Đỗ Hữu Tài, anh Lý Khôi Việt, nhà thơ Phan Bội Cần ;  vì vậy mà tờ Nguyệt san Khai Phóng ra đời ;  tuy nhiên chỉ ra đều được bảy hay tám số gì đó ;  vì điều kiện tài chánh nên cứ vài tháng hoặc hơn thì ra được một số và đến số 13 thì định bản. Ban biên tập tùy duyên, mạnh ai nấy sống.

          Nói về sinh hoạt chung bên cạnh nhị vị Hòa thượng Thích Đức Niệm và Hòa thượng Thích Mãn Giác thì :

          Với ôn Đức Niệm thì cùng cọng trú và ăn uống chung. Ngày chúng tôi chưa về với Ngài, hằng ngày đúng 11giờ30 trưa là ngài mặc áo qua ăn cơm tại chùa Việt Nam. Một ngày một lần cho đến khi tôi về thì ngài không còn ăn như trước nữa, cho đến ngày Phật Học Viện Quốc Tế tìm được chỗ mới là địa điểm bây giờ ;  hai chúng tôi dọn về đó, có lối sinh hoạt riêng, thỉnh thoảng có về chùa Việt Nam họp một vài Phật sự có liên hệ chung.

          Với ôn Mãn Giác, thì, xong nhiệm vụ với ôn Đức Niệm liền chạy qua chùa Việt Nam, khi thì giảng pháp cho lớp thọ Bát quan Trai giới, khi thì cúng Thí thực Cô hồn, hoặc giảng Giáo lý và sinh hoạt với Gia đình Phật tử Long Hoa, trong đó có hai cô con gái của Giáo sư Thuận đang sinh hoạt (mà cô trưởng nữ Trần thị Túy Như còn giữ tình thầy trò rất đạo vị cho đến bây giờ), hoặc dò bài cho tờ nguyệt san Phật giáo Việt Nam trước khi đem in, hoặc chỉnh đốn một vài việc trước khi có đại lễ Phật đản hay Vu lan diễn ra. Những lễ lớn như thế, bản thân chúng tôi túc trực thường xuyên cho đến ngày lên Phật Học Viện ở thành phố North Hills, vừa đi học, vừa làm Phật sự, . . . Viện cách thành phố Los Angeles 45 phút lái xe, nếu xa lộ không bị nghẽn.

          Nói tóm, sinh hoạt Phật sự bên cạnh nhị vị Hòa thượng, thì, Với Hòa thượng Thích Đức Niệm đậm đà hơn, gắn bó nhiều hơn dưới nhiều phương diện. Ngày chúng tôi rời Phật Học Viện Quốc Tế để kiến lập Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại vào tháng 11 năn 1981 ;  hằng năm vẫn về với Viện ít nhất là hai lần lễ lớn. Ngày Ôn Đức Niệm quãy gót quy tây, một năm ít nhất là ba lần : Giổ ôn Đức Niệm, Phật Đản và Vu Lan, thỉnh thoảng có thêm rằm tháng Mười.

          Vì vùng đất sinh hoạt ở xứ cờ Hoa quá rộng, phương tiện đi lại cũng rất tốn kém, nên khi nào về Phật Học Viện cũng lái xe về viếng thăm chùa Việt Nam, thăm Ôn Mãn Giác đều đều như thế.

          Khi hai Ngài hầu Phật, những kỷ niệm qua hình ảnh và dư âm thì còn đó, nhưng những cái linh động như cười nói, uống trà, tham vấn Phật sự thì đã đi vào dĩ vãng. Tiếc thật.

          Nhơn mùa Vu lan Thắng hội năm Canh tý – 2020 nầy, bút giả viết lên lời tri ân đến chư Tôn đức đồng sự pháp lữ đã từng cùng nhau chung lo Phật sự ở hải ngoại dù còn trụ thế hay đã xa rời bến mê để về bờ giác đều là những kỷ niệm đẹp cho bút giả. Thành kính chúc mừng và tưởng niệm.

          Mạnh Thu Canh tý – Aug. 28th, 2020

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Hai Câu Chuyện Rất “Thương Tâm”
Phật Đản Miền Đông Bắc Hoa Kỳ
Một Đạo Tràng Bố Tát Đặc Biệt
Đi Quanh Một Vòng Với Các Đạo Tràng An Cư – 2021
Mùa Xuân Tân Sửu – 2021
Thông Báo Mới Của CDC Chỉ Có 6% Số Người Tử Vong COVID -19 . . . .
Luận về : Cái Chết Nguyên Con
Có Những Cái Chết
Thông Điệp Của Sự Hạnh Phúc
Giọt Nước Mất Cho Người Em Trai Út
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3149071
Có -627 Khách Đang Online